Không học ngữ pháp vẫn có thể thông thạo một ngoại ngữ?
Nếu bạn đang bắt đầu hành trình/đang trên hành trình học một ngoại ngữ mới thì bài viết này dành cho bạn.
Sinh trưởng trong môi trường nói tiếng Quảng Đông là chính nên mong muốn gìn giữ tiếng Quảng Đông như một ngọn lửa cháy âm ỉ trong mình, nhưng để hướng dẫn lại cho người khác lại là một thách thức không nhỏ đối với mình.
Đặt mình vào vị trí một người không biết gì, tưởng tượng rằng nếu không biết gì hết thì như thế nào sẽ là dễ tiếp thu nhất, từ đó, hành trình tìm cách truyền đạt cho người khác của mình đã bắt đầu.
Theo logic của mình, để học một ngôn ngữ mới thì cần phải bắt đầu từ bảng chữ cái.
Nếu trong tiếng Phổ thông có hệ thống Pinyin thì trong tiếng Quảng Đông có hệ thống Jyutping. Khám phá ra Jyutping là việc khiến mình bất ngờ nhất.
Nhưng bí quyết không nằm ở việc nắm bắt được bảng chữ cái trước, bởi vì bạn hoàn toàn có thể nghe hiểu và nói được trước khi bạn chạm đến bảng chữ cái. Năm 2018, một giáo viên dạy ngoại ngữ Full-time Jeff Brown, người thông thạo 6 ngôn ngữ đã đăng tải một video chia sẻ về việc học ngoại ngữ không cần học ngữ pháp. Mình xin để link phiên bản tiếng Anh để các bạn tham khảo trực tiếp: How to acquire any language NOT learn it!
Và dưới đây mình xin chia sẻ một phiên bản tóm tắt từ một Youtuber, một người cũng tự mày mò và chia sẻ các phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả, và chính từ Youtuber này mà mình biết đến Jeff Brown.
PHẦN 1: HIỂU CÁC BƯỚC
Bước 1: làm quen - acquire ngôn ngữ, không phải học tập - learn/study ngôn ngữ
Acquire là đạt được, thu được, nắm bắt được. Nắm bắt một ngoại ngữ bằng tiềm thức, hấp thụ và cảm nhận.
Learn/Study là học và ghi nhớ bằng ý thức.
Em bé sơ sinh và trẻ con không HỌC một ngôn ngữ, mà là THỤ ĐẮC một ngôn ngữ bằng tiềm thức - Language Acquisition.
Ở đây chúng ta có khái niệm “Dữ liệu đầu vào có thể hiểu được”, có nghĩa là:
Hiểu ý nghĩa => Tìm hiểu phân tích từ ngữ => Ghi nhớ từ vựng
Ví dụ như, để dạy một đứa trẻ biết đọc biết viết cụm từ “ăn cơm”, trước tiên người lớn sẽ mô phỏng động tác bằng tay, cầm chén cơm và cái muỗng, cho cái muỗng vào miệng. Sau khi trẻ đã hiểu ý nghĩa của động tác thì mới hướng dẫn trẻ lặp lại cụm từ “ăn cơm”.
Mỗi một đứa trẻ đều học tiếng mẹ đẻ qua quá trình tương tác với các thành viên trong gia đình, mỗi sự tương tác đều là những “dữ liệu đầu vào có thể hiểu được”, và tất cả chúng ta đều nắm bắt được ngôn ngữ mẹ đẻ một cách tự nhiên như vậy.
Trái lại, việc HỌC một ngôn ngữ thường ỷ lại rất nhiều vào ngữ pháp. Giáo sư Stephen Krashen, một nhà ngôn ngữ học và đồng thời là nhà nghiên cứu giáo dục chia sẻ như sau:
“Một số học sinh thích học ngữ pháp. Họ cũng là những người học nâng cao, học được rất nhiều ngữ pháp, họ thường nghĩ về những quy tắc và nghiên cứu về những điều luật, họ có rất nhiều thời gian, đây cũng là cái tạo nên “người giám sát tư tưởng”. Nếu bạn nghĩ về một điều gì đó dưới một ngôn ngữ khác, trước tiên có một câu nói đột nhiên nảy lên trong tâm trí bạn. Sau đó, trước khi bạn bật ra câu nói, nếu bạn đang nghĩ về câu nói ấy, bạn sẽ đi dò xét câu nói đó, nghĩ đến những điểm ngữ pháp bạn đã học và sửa lỗi. Nhưng để làm được điều đó là rất khó. Quá trình này được sử dụng nhiều nhất trong trường hợp chúng tôi cho học viên làm các bài kiểm tra ngữ pháp. Trong bài kiểm tra ngữ pháp bạn có thể tập trung vào cấu trúc câu và nghĩ về sự đúng sai, và bạn có đủ thời gian cho việc đó.”
Nói cách khác, ngữ pháp thực sự rất khó học và cũng không dễ để sử dụng đúng cách. Chúng ta cũng chỉ bắt đầu tiếp xúc ngữ pháp khi bắt đầu cấp học tiểu học.
Bước 2: làm quen - acquire ngữ pháp, không phải học tập - learn/study ngữ pháp
Jeff không hề học qua ngữ pháp, thậm chí trong tiết học ngữ pháp, ông còn ngồi vẽ tranh. Ông thấy có một số vấn đề trong việc học ngữ pháp, chính là tồn tại giả thuyết “người giám sát tư tưởng”. Việc liên tục học ngữ pháp sẽ ngăn chặn khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên của bạn. Mỗi khi bạn muốn mở miệng nói, tự nhiên bạn sẽ nghĩ tới ngữ pháp và phân tích ngữ pháp trước, dần dần, việc học ngoại ngữ của bạn sẽ nghiêng về chỉ đơn thuần ghi nhớ ngữ pháp.
Nhưng những dữ liệu được ghi nhớ không đồng nghĩa là những dữ liệu đầu vào có thể hiểu được. Nếu việc ghi nhớ kiểu này hiệu quả, bạn chỉ việc học thuộc một quyển từ điển tiếng Anh là có thể mở miệng nói tiếng Anh một cách lưu loát.
Những ngữ pháp mà chúng ta biết sẽ đến từ việc nghe một lượng lớn những dữ liệu đầu vào có thể hiểu được và tập đọc chính xác. Vì vậy để hấp thụ một ngôn ngữ, 99% trọng tâm học tập phải đặt vào những dữ liệu đầu vào có thể hiểu được.
Với những người thích học ngữ pháp, Jeff Brown có 2 lời khuyên như sau:
Hãy đợi cho đến khi bạn có thể nói lưu loát, hoặc ít nhất là semi-fluently - lưu loát một phần nào đó - rồi mới học ngữ pháp. Đó là cách mà trẻ con học.
Hoặc là, chỉ đọc lướt qua, xem lướt qua các điểm ngữ pháp, có thể là 1 phút mỗi ngày, hay 2 phút mỗi ngày. Chỉ xem qua và không làm gì hơn.
Bước 3: Tìm đúng giáo trình
Giáo trình khác nhau sẽ cần phương pháp dạy khác nhau. Ở đây, Jeff Brown có đề xuất chỉ hai phương pháp dạy học:
Cách dạy học tự nhiên: Đây là phương thức gồm 2 giáo sư đại học người Mỹ đồng sáng lập vào những năm 1970, một trong hai là giáo sư Stephen Krashen được đề cập phía trên, khái niệm “dữ liệu đầu vào có thể hiểu được” cũng là do ông đề xuất từ rất sớm. Họ thực nghiệm phương pháp này trong những tiết dạy học tiếng Đức, trong đó, có 3 quy tắc mà học viên học tiếng Đức phải tuân thủ:
Không chấp nhận bất kì sự giới thiệu hoặc hướng dẫn về ngữ pháp, thụ đắc ngữ pháp y như cách trẻ con học;
Không sửa bất kì lỗi sai;
Chỉ sử dụng ngôn ngữ đích suốt buổi học, và chiếm 90% thời gian dùng ngôn ngữ này, chỉ sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ khi thực sự cần thiết, hoặc nói về những sự việc thật sự khẩn cấp.
===> Kết quả: Thành tích của những học viên học tiếng Đức theo cách dạy học này cao hơn so với cách dạy học truyền thống, họ không chỉ ghi nhớ được một lượng từ vựng lớn hơn, mà thời gian họ mở miệng nói tiếng Đức sẽ lâu hơn.
TPRS (Teaching Proficiency Through Reading and Storytelling) học bằng cách đọc truyện hoặc nghe kể chuyện. Cách này được dùng để dạy ngoại ngữ chủ yếu cho cấp học dưới cấp Trung học Phổ thông.
Một vị giáo sư người Nhật tên là Beniko Mason ở Osaka cũng tiến hành thực nghiệm cách dạy học này. Sau 5 tuần thực nghiệm, bà phát hiện học viên học theo cách dạy TPRS nhớ được 75% lượng từ vựng, còn học viên học theo cách dạy học truyền thống chỉ nhớ được 36% lượng từ vựng, một sự chênh lệch vô cùng lớn.
Tóm lại, hai cách dạy học này đem lại kết quả vượt trội hơn cách dạy học truyền thống trong các cuộc thử nghiệm các phương pháp dạy học suốt nhiều năm qua.
Bước 4: Tìm đúng giáo viên
Giáo viên dùng ngôn ngữ đích để dạy học trong suốt 90% thời gian học tập, chỉ phụ trợ 1 chút bằng tiếng mẹ đẻ. Nếu dùng tiếng mẹ đẻ quá nhiều thì học viên sẽ khó lòng có được “những dữ liệu đầu vào có thể hiểu được”.
Giáo viên sáng tạo, vận dụng nhiều cách khác nhau (một việc làm cần đầu tư nhiều công sức và thời gian) giúp học sinh làm quen, thụ đắc ngôn ngữ, mà không phải chỉ chăm chăm dạy ngữ pháp (là việc dễ dàng đối với giáo viên).
Bước 5: Hãy quyết định ngôn ngữ bạn muốn thụ đắc và thời gian
Quốc vụ viện Mỹ phân chia độ khó của ngoại ngữ thành 5 loại lớn:
Với người có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh thì họ sẽ nắm bắt được những ngôn ngữ thuộc nhóm 1 rất nhanh chóng vì chúng có nhiều từ đồng nguyên giống tiếng Anh, và thời gian để học nhóm ngôn ngữ này thường rơi vào khoảng 600-750 giờ học.
Jeff nói, để đạt được số giờ học này trong vòng 1 năm là việc tương đối dễ dàng: Bình quân 1 tuần cần khoảng 11 giờ học. Nếu trải đều ra và trừ đi giờ học chính thức trên trường lớp, thì thời gian tự học mỗi ngày chỉ cần chưa đến 1 giờ đồng hồ.
Đối với những nhóm ngôn ngữ từ nhóm 2 đến nhóm 4, bạn có thể tham khảo thêm trong clip gốc, trong đó có đề cập đến số giờ học cụ thể mỗi ngày cho mỗi nhóm ngôn ngữ khác nhau.
Nhóm ngôn ngữ thứ 5 gồm tiếng Nhật, Tiếng Trung, tiếng Hàn và tiếng Ả Rập (theo Jeff là nhóm ngôn ngữ khó nhất đối với người nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh): cần 2200 giờ để học.
Jeff Brown lấy ví dụ học tiếng Ả Rập của ông. Ông không đọc hoặc viết, mà chỉ tập trung vào “những dữ liệu đầu vào” có thể hiểu được: ông chỉ nghe hoặc nói y hệt như cách trẻ từ 0 đến 1 tuổi làm. Trẻ ở độ tuổi này trên khắp thế giới không đọc hoặc viết bất kì điều gì.
Hết phần đầu.
Để dễ theo dõi, mình chia video thành 2 bài dịch, mời bạn theo dõi phần còn lại trong bài tiếp theo.
Xin cảm ơn bạn!