[Trích dịch] Bài phỏng vấn kênh Youtube Wellen Time: chủ đề Mất ngủ - Khoa học thần kinh não bộ - Cơ chế áp lực - Kí ức cảm xúc - Trực giác - Hạch hạnh nhân - Nỗi sợ và một số vấn đề liên quan (1)
Mối liên quan mật thiết của giấc ngủ lên thân - tâm - trí nói chung.
Lần trước, trong bài Tản mạn về viết nháp, sức ì , mình có nhắc đến đoạn:
“Trong những nghiên cứu về khoa học não bộ, người ta phát hiện rằng, cơ thể chúng ta ngày đêm làm công tác thu nạp một lượng thông tin cực khủng, được lưu trữ ở nhiều điểm khác nhau trên cơ thể, phần lớn là ở phần bụng (do đó có từ gut feeling). Sau đó, cho dù sự kiện đã được quên lãng, một người không còn nhớ ra bất kì chi tiết gì liên quan, nhưng cơ thể và cảm xúc của họ vẫn ghi nhớ, ở đây cảm xúc được dùng như một chủ thể độc lập.”
Đây là đoạn mình trích dịch từ một clip phỏng vấn của kênh Wellen Time, người được phỏng vấn là chị Vincci Cheuk Wan Chi - một người làm việc trong lĩnh vực truyền thông ở Hongkong, chủ đề là giấc ngủ và mối liên quan mật thiết của giấc ngủ lên thân - tâm - trí nói chung. Hôm nay trong bài này và một số bài sau, mình sẽ trích dịch nội dung trong chuỗi 9 phần của clip. Kính mời các bạn theo dõi!
Phần 1: Mất ngủ
Bối cảnh: Với mục đích giới thiệu phim mới tại các liên hoan phim, Vincci có lịch bay dày đặc giữa các châu lục và giờ giấc ngủ nghỉ thay đổi liên tục trong nhiều tháng liên tiếp. Sau khi kết thúc chuỗi sự kiện, trong vòng 2 tuần kể từ khi Vincci quay về Hongkong, cô vẫn không điều chỉnh được giấc ngủ trở lại trạng thái bình thường. Chưa ngưng tại đó, sau 2 tuần ở Hongkong, cô lại phải bay đi dự sự kiện liên hoan phim mới ở một quốc gia khác.
Mức độ mất ngủ: chỉ ngủ 2 tiếng 1 ngày
Vincci phát hiện sự mất ngủ dẫn đến việc thay đổi về cảm xúc, suy nghĩ, cô cảm thấy rất cô đơn, không có bạn bè, tất cả những người bạn đều đã bỏ cô mà đi, thế giới trở nên u ám tăm tối; bên cạnh đó cô cũng trở nên nóng nảy, bồn chồn. Từ mất ngủ, cô phát hiện tính cách của bản thân đã thay đổi, những người xung quanh cũng nhận thấy cô tựa như đã thay đổi thành một con người khác.
Ngay khi nhận thấy điều này, cô đã nghiêm túc tìm hiểu nguyên nhân. Cô bắt đầu tìm hiểu và áp dụng các biện pháp giúp bản thân thoát khỏi việc mất ngủ và khỏe mạnh hơn, trong đó có đọc sách, tìm hiểu sự liên quan giữa cơ thể, cảm xúc và suy nghĩ mà không phải lựa chọn dùng thuốc hay thực phẩm chức năng để cải thiện tình trạng mất ngủ.
Tính cách - Cảm xúc- Giấc ngủ có mối liên hệ mật thiết.
Khi nói đến mất ngủ, thông thường người ta chỉ nghĩ rằng:
Mất ngủ => ngủ không đủ giấc => mệt mỏi, uể oải => dễ cáu gắt => suy nghĩ nhiều => mất ngủ.
Nhưng không ai nghĩ rằng:
Mất ngủ trực tiếp dẫn đến dự thay đổi về tính cách.
Cô nói, việc cơ thể không thông suốt, sẽ dẫn đến sự thay đổi về cảm xúc và suy nghĩ, yếu tố này đã được đề cập trong nhiều các bài nghiên cứu.
Cảm xúc không tồn tại độc lập, suy nghĩ không tồn tại độc lập. Bởi vì khi cơ thể bị tắc nghẽn, cảm xúc và suy nghĩ thay đổi, thế giới quan của một người sẽ thay đổi theo. Tính cách không phải là một yếu tố “cố định”.
Khi cơ thể bị tắc nghẽn, các phản ứng hóa học trong não bộ sẽ thay đổi. Khi các yếu tố kết hợp với nhau trong não bộ có sự thay đổi, sẽ sinh ra một trạng thái cảm xúc, nôm na là cảm xúc sinh ra từ sự tắc nghẽn của cơ thể.
Nói đến đây, cô nói, đó giờ bản thân luôn nghĩ “tính cách tôi là vậy đó, nên tôi hành xử như vậy.” , giờ đây cô bắt đầu đặt câu hỏi, rằng,
liệu tính cách của bản thân có thực hay không?
Cô tìm thấy câu trả lời trong lúc tìm hiểu về khoa học thần kinh não bộ.
Phần 2: Cơ chế của áp lực
Áp lực được sinh ra là để bảo vệ con người.
Cơ thể con người trải qua hàng triệu năm tiến hóa, đã hoàn thành nhiều cơ chế khác nhau và được “cài đặt” trong gene để có thể ứng phó với thế giới tàn khốc này, trong đó có cơ chế phòng vệ. Ví dụ khi một em bé mới sinh ra bị đứt tay, cơ thể cũng bật cơ chế khiến vết thương lành trở lại, không cần phải “học” làm sao cho vết cắt có thể lành. Cơ thể có một cơ chế cho bạn sử dụng để đánh trận, nghe rất quen thuộc dưới cái tên “cơ chế tấn công hoặc bỏ chạy”.
Khi một người phát hiện thấy nguy hiểm, ví dụ như bị sư tử đuổi, lúc thấy một người bạn sắp rơi xuống vực, hay trong thời hiện đại là đuổi theo xe buýt cho kịp chuyến, người đó có thể lập tức chạy với một vận tốc kinh khủng, hoặc bỗng nhiên có sức mạnh phi thường. Bạn có nghĩ là vì sao không?
Bạn không thể nào “ra lệnh”, “bắt” cơ thể chạy thật nhanh, mà là lúc này, cơ thể lập tức sẽ bật cơ chế đánh trận, sự trao đổi năng lượng trong cơ thể được đẩy lên mức cực đại. Trong lúc áp lực, cơ thể sẽ có những phản ứng đẩy năng lượng:
Đẩy mạnh chức năng tim, phổi
Bơm năng lượng tới não bộ, cải thiện khả năng tư duy.
Đẩy năng lượng tới hệ miễn dịch
Lúc này cơ thể sẽ cực kì linh hoạt, quan sát rõ ràng, tư duy nhạy bén sáng rõ, sức mạnh cơ bắp tay chân cũng đạt đến cực đỉnh, người đó có thể chạy cực nhanh hoặc nâng, kéo vật cực nặng, vì một lượng lớn năng lượng được bơm lên não bộ giúp cải thiện khả năng quan sát tư duy. Điều này cũng lí giải được tại sao có nhiều người có thể có những suy nghĩ rất chi tiết, nhiều ý tưởng mới khi họ ở trong trạng thái cực kì căng thẳng. Cơ thể sẽ có những phản ứng không thông qua suy nghĩ, vì đó là những cơ chế đã được quy định trong gene của con người qua quá trình phát triển hàng triệu năm.
Cùng lúc đó, năng lượng phân bố cho hệ miễn dịch cũng đạt mức tối đa, vì vậy lúc cực kì áp lực, người ta sẽ không bệnh.
Nhưng vì sao nhiều người nói, lúc áp lực cao dễ lâm bệnh?
Phía trên chúng ta có nói, lúc áp lực, cơ thể sẽ có những phản ứng đẩy năng lượng:
Đẩy mạnh chức năng tim, phổi
Bơm năng lượng tới não bộ, cải thiện khả năng tư duy
Đẩy năng lượng tới hệ miễn dịch
Áp lực cao có thể giúp con người hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trong cuộc sống, có thể bảo vệ con người tránh khỏi hiểm nguy. Buổi sáng làm việc áp lực có thể giúp mang lại hiệu quả trong công việc.
Khi sự trao đổi năng lượng đã lên đến cực đỉnh, thì cần có thời gian trả nó về với sự cân bằng, bằng cách nghỉ ngơi hoàn toàn.
Vì vậy, lúc cần buông xuống công việc thì cần buông xuống hoàn toàn cho cơ thể nghỉ ngơi, buổi tối cần gác hết mọi thức qua một bên cho một giấc ngủ trọn vẹn.
Nhưng đa số người thường giữ mình trong trạng thái “chuẩn bị chiến đấu” bằng những suy nghĩ liên miên bất tận về những công việc chưa hoàn thành, những kế hoạch sắp tới, làm sao thu hút lượt view cho kênh của mình, đoạn clip hồi chiều hình như cắt chưa được đẹp…
Khi đó, ba yếu tố nêu trên không ngừng được đẩy mạnh, khiến cơ thể trở thành cỗ máy hoạt động hết công suất, một thời gian sau sẽ xảy ra lỗi vận hành, nói một cách đơn giản là “bị kẹt máy”. Cơ thể khi không đến được trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn trong một khoảng thời gian dài, sẽ bị “kẹt máy”, dần dần bạn sẽ phát hiện, trong những tình huống không căng thẳng, bạn cũng sẽ có những phản ứng rất căng thẳng.
Ví dụ như, có những thời điểm sau khi tan làm, bạn không cần vội vàng đi gặp khách hàng, hay không cần chạy deadline, nhưng khi bước vào thang máy, bạn vẫn muốn cửa thang máy đóng thật nhanh lại, và liên tục bấm nút đóng cửa không ngừng. Kiểu hành động này gọi là áp lực, là triệu chứng của sự “kẹt cỗ máy cơ thể”. Vì sao trong trạng thái không có gì cần vội vàng mà bạn vẫn còn bồn chồn muốn thực hiện hành động gì đó, là vì chức năng tim phổi vẫn đang được đẩy mạnh, bộ não vẫn liên tục phân tích rằng thang máy chậm quá, tốn thời gian quá vì bạn còn nhiều việc chưa thực hiện, nên liên tục bấm để cửa thang đóng thật nhanh.
Sự bồn chồn nóng nảy đó không thật sự là sự nóng nảy có bản chất, mà nó xuất hiện do cơ thể có sự tắc nghẽn.
Sự tắc nghẽn đến khi cơ thể một người đã quen với áp lực cao, sự điều phối năng lượng cho trạng thái chiến đấu được “rèn luyện” liên tục trong thời gian dài, không giờ phút nào được ngơi nghỉ. Do đó, buổi tối là thời gian đáng lẽ để ngủ, cơ thể bạn đã mệt lả đi, mắt đã nhíu lại, nhưng bộ não vẫn tiếp tục điều phối năng lượng cho trạng thái chiến đấu, vô cùng bận rộn với những ý nghĩ và kế hoạch, và phiền não với những điều chưa xảy ra của ngày mai.
Bạn mất ngủ là do sự tắc nghẽn, cỗ máy cơ thể bị kẹt máy, mà không phải vì bạn không ngủ được nên bạn nằm suy nghĩ nhiều chuyện trong ngày hay chuyện ngày mai để rồi tiếp tục không ngủ được.
Tới đây thì cô đã giải đáp được câu hỏi về nguyên nhân của sự mất ngủ.
Áp lực là tốt, nhưng cũng cần biết cách giải tỏa áp lực. Nhưng phần lớn những hành động giải tỏa áp lực lại không đi vào bản chất, không có sự nghỉ ngơi thật sự. Ví dụ như đi nghỉ dưỡng nhưng không nghỉ ngơi. Trước khi xuất phát đi du lịch, một bản kế hoạch du lịch được thiết kế chi tiết giờ nào thì làm gì, đi đâu. Trong lúc đi du lịch thì chuyển rất nhanh từ địa điểm này sang địa điểm khác trong sự vội vã, sợ bỏ lỡ những điều hay ho nếu không theo kế hoạch, và vì vé máy bay rất mắc. Những người này không phải đang đi du lịch tận hưởng, vì họ đang ở trong trạng thái áp lực tột độ nhưng không nhận thức được. Họ thiết kế hành trình du lịch trong trạng thái chiến đấu và đi “du lịch” trong trạng thái chiến đấu. Khi ở trong trạng thái này một thời gian dài, một ngày đẹp trời hệ miễn dịch cũng sẽ “đình công”, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện những căn bệnh do áp lực cao mang lại.
Hết trích dịch phần 1 và 2. Ở các bài tiếp theo mình sẽ trích dịch phần còn lại của clip.
Xin cảm ơn các bạn!
Phần 3: Giải tỏa áp lực
Phần 4: Trí nhớ cảm xúc
Phần 5: Nguồn gốc của trực giác
Phần 6: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng
Phần 7: Khi hạch hạnh nhân tước quyền kiểm soát
Phần 8: Thứ tự ăn uống
Phần 9: Khai mở tiềm thức